Nằm ở biên giới phía Tây Nam Trung Quốc, Tây Tạng là một vùng đất độc đáo thu hút sự chú ý của du khách và những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ có khung cảnh ngoạn mục, nền văn hóa phong phú và tâm linh sâu sắc, Tây Tạng được cho là một trong những nơi bí ẩn và hấp dẫn nhất hành tinh. Vậy Tây Tạng ở đâu, thuộc khu vực nào của Trung Quốc và có gì đặc biệt đáng để ghé thăm?
Mục lục:
ToggleTây Tạng ở đâu? Đôi nét về Tây Tạng Trung Quốc
Tây Tạng là một khu tự trị nằm trên cao nguyên Tây Tạng, có diện tích khoảng 1,2 triệu km2. Riêng cao nguyên Tây Tạng là một cao nguyên rộng lớn nằm ở phía Đông Bắc của dãy Himalaya, phía Tây Nam của Trung Quốc, có diện tích rộng đến 2,5 triệu km2. Nó bao gồm toàn bộ khu tự trị Tây Tạng và phần lớn tỉnh Thanh Hải, kéo dài đến phía Tây tỉnh Tứ Xuyên và Khu tự trị Ngô Duy Nhĩ phía Nam của Tân Cương.
Là khu vực có cao độ lớn nhất trái đất, với độ cao trung bình 4.900m so với mực nước biển, Tây Tạng vì thế cũng được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới”. Đặc biệt, nơi này có đến khoảng 50 dãy núi tuyết vĩnh cửu, có độ cao trung bình từ 5.000-7.000m. Mặc dù người Tây Tạng gọi vùng đất của họ là Gangs-ljongs hay Kha-ba-can, nghĩa là “vùng đất tuyết”, song khí hậu nhìn chung rất khô, lượng mưa trong năm cực thấp. Ở các thung lũng thấp và phía Đông Nam, thời tiết ôn hòa và dễ chịu, trong khi phía Tây Bắc Tây Tạng lại một mùa hè nóng bức và một mùa đông lạnh khủng khiếp.
Về mặt hành chính, Tây Tạng là một trong 4 khu tự trị của Trung Quốc, với 1 thành phố và 6 quận. Cụ thể, thành phố Lhasa nằm ở trung tâm và 6 quận xung quanh là Ngari, Shigatse, Chamdo, Shannan, Nagqu và Nyingchi. Hầu hết người dân trong khu vực đều là người Tây Tạng, ngoài ra còn có người Hán, người Hồi, người Monba, Lhoba và các dân tộc thiểu số khác. Vì vậy, phần lớn người dân Tây Tạng có cùng nguồn gốc dân tộc, có truyền thống của cùng một tôn giáo và nói cùng một ngôn ngữ, đó là tiếng Tây Tạng.
Tây Tạng có gì hấp dẫn?
Tây Tạng với những cảnh quan độc đáo
Không giống bất kỳ nơi nào khác trên trái đất, phong cảnh của Tây Tạng vô cùng độc đáo, chỉ có thể nói rằng rất hiểm trở và xa xôi. Cao nguyên Tây Tạng rộng lớn, làm nền cho vẻ đẹp của những đỉnh núi phủ tuyết nằm trên những ngọn núi cao nhất thế giới. Nó được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” bởi phần lớn Tây Tạng nằm ở độ cao khoảng 4.500m so với mực nước biển. Cao nguyên Tây Tạng trải dài đến 2.000k từ tây sang đông, với nhiều đỉnh núi cao vút ở biên giới Nepal. Ở phía Nam, dãy Himalaya đứng sừng sững, nơi bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh vô cùng hùng vĩ bởi những ngọn núi cao ngất ngưởng.
Chuyến bay từ Lhasa qua dãy Himalaya có lẽ là một khoảnh khắc đáng nhất nhất trong chuyến du lịch Tây Tạng. Với thời tiết quang đãng, khung cảnh núi Everest, Lhotse, Cho Oyu, Makulu và vô số đỉnh núi khác trải dài đến tận chân trời tạo nên một khung cảnh thật ngoạn mục. Tây Tạng cũng được biết đến là một điểm đến trekking tuyệt vời, khi du khách có thể đi bộ trên những con đèo cao và những con đường mòn quanh co rải đầy những lá cờ cầu nguyện của Phật giáo. Đó là lúc mà họ nhận được rất nhiều cảm hứng từ vùng đất cổ xưa này.
Trải nghiệm con người và văn hóa Tây Tạng
Là vùng đất của Phật giáo, người Tây Tạng cũng có cảm mến sâu sắc với tôn giáo của họ. Bắt nguồn từ những ngày đầu tiên Phật giáo du nhập vào Tây Tạng từ hơn 1.300 năm trước, Phật giáo cũng có một ảnh hưởng lớn đối với người dân ở đây. Ngoài vô số các vị thần và nữ thần Phật giáo, họ còn tôn thờ những ngọn núi như những vị thần sống. Trên khắp Tây Tạng, bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh những người hành hương quay bánh xe cầu nguyện và đi bộ quanh các đền chùa, tu viện, núi non.
Đối lập với sự hùng vĩ nơi phong cảnh, những khoảnh khắc mà bạn chia sẻ với người dân địa phương đôi khi cũng là những trải nghiệm đáng nhớ nhất. Cho dù đó là trà bơ yak được mời từ một nhà sư ở một tu viện hẻo lánh hay một chuyến dã ngoại cùng với một gia đình chăn nuôi trên bờ hồ, những điều ấy đều mang đến một cái nhìn sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc của họ.
Tây Tạng với những lễ hội đa sắc màu
Theo ghi chép, Tây Tạng vốn là một quốc gia cổ đại có từ năm 127 TCN, một khoảng thời gian đủ dài để thiết lập nên những lễ hội của riêng vùng đất này. Với hơn 100 lễ hội lớn nhỏ diễn ra quanh năm, trải nghiệm lễ hội ở Tây Tạng có thể nói làm một cách thú vị để có cái nhìn sâu sắc hơn về Phật giáo nơi đây. Trong đó, một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Tây Tạng đó là lễ hội Saga Dawa, được tổ chức tại núi Kailash, một trong những nơi linh thiêng nhất trong giáo Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Hằng năm, cứ đến dịp lễ này, hàng ngàn người hành hương trên khắp Tây Tạng đến bày tỏ lòng tôn kính đến núi Kailash. Theo quan niệm cổ xưa, ngọn núi linh thiêng này từ lâu đã được những người theo đạo Hindu và đạo Phật coi là Núi Meru thần thoại, trung tâm vũ trụ của vũ trụ, là nơi phát đi sự sống của vạn vật. Để bày tỏ sự tôn kính, họ thực hiện kora hoặc chân đi vòng quanh chân núi theo chiều kim đồng hồ. Chuyến đi này kéo dài đến vài ngày và vượt qua con đèo dài đến 5.800m.
Ghé thăm những tu viện cổ
Là nơi sinh ra Mật Tông, một trong bốn tông phái của Phật giáo, Tây Tạng vì thế cũng có rất nhiều tu viện cổ nằm rải rác khắp mọi nơi. Theo quan niệm của người Tây Tạng, họ xem trọng tôn giáo, các tu viện cũng chính là trung tâm học tập và các tu sĩ chịu trách nhiệm bảo tồn và truyền bá giáo lý Phật giáo. Mặc dù có đến 600 tu viện đã bị phá hủy trong Cách mạng văn hóa Trung Quốc, song đến nay, một số tu viện mới đã được xây dựng trở lại.
Hiện nay, hầu hết các tu viện ở Tây Tạng đều mở cửa chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí những tu viện ở các vùng xa xôi còn chuẩn bị cả chỗ ngủ qua đêm. Giữa hàng trăm tu viện, Samye, Ganden và Jorkhang được cho là những tu viện nổi tiếng linh thiêng nhất. Nếu muốn có một cái nhìn sâu sắc hơn về sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo ở Tây Tạng thì bạn nên ghé thăm các tu viện một lần.
Một số lưu ý khi đi du lịch Tây Tạng
Nổi tiếng với cảnh quan cao nguyên ấn tượng, văn hóa Phật giáo Tây Tạng cùng những ngọn núi phủ tuyết cao chót vót và những di tích lịch sử, Tây Tạng trở thành điểm hành hương của không ít tín đồ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, do tình hình chính trị và địa lý đặc biệt, việc đi du lịch đối với người Việt không dễ dàng như ở những nơi khác của Trung Quốc. Vì vậy, trước tiên bạn cần nắm rõ một số điều sau:
Cẩn thận với hội chứng sợ độ cao
Mặc dù Tây Tạng đẹp nhưng xét cho cùng thì đây là một khu vực có độ cao lớn. Vì vậy, nó có thể là một trở ngại lớn đối với những người say độ cao. Hầu như ai cũng sẽ bị say độ cao nhẹ khi lần đầu tiên đến với cao nguyên. Để tránh tình trạng này ở mức thấp nhất, bạn nên duy trì một thể trạng tốt bằng cách không đi bộ nhanh hoặc chạy khi mới đến khu vực cao nguyên. Ngoài ra, tránh ăn quá no, không hút thuốc, uống rượu và cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin. Nếu bị say độ cao nặng, tốt nhất nên chuẩn bị sẵn thuốc chống sốc độ cao.
Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Tây Tạng
Mùa hè và mùa thu là thời điểm tốt nhất để ghé thăm Tây Tạng, khi phong cảnh đẹp, lượng oxy đầy đủ và khí hậu cũng dễ chịu hơn. Tuy nhiên, sẽ có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, đặc biệt là sáng sớm và đêm khuya. Theo đó, nhiệt độ ở Tây Tạng vào ban ngày khoảng 30 độ C vào mùa hè và có thể giảm xuống 10 độ C vào ban đêm. Ngược lại, vào mùa xuân và đông, thời tiết tương đối lạnh, chú ý giữ ấm, mang theo quần áo chống lạnh, tắm gội ít nhất và nghiêm ngặt phòng ngừa cảm lạnh.
Tránh những điều cấm kỵ ở Tây Tạng
Là vùng đất của Phật giáo, vì vậy mà người Tây Tạng đặt ra rất nhiều điều cấm kỵ, có liên quan đến tôn giáo của họ. Để tránh gây ra những rắc rối không đáng có, tốt nhất nên tìm hiểu kỹ về những điều không nên làm trước khi đến đây.
+Chụp ảnh: Ở hầu hết các tu viện, việc chụp ảnh tượng Phật là bị cấm hoàn toàn. Ngoài ra, nếu bạn muốn chụp một người địa phương trong trang phục truyền thống, đều cần phải xin phép trước.
+ Tu viện: Ăn mặc chỉnh tề và cư xử đúng mực là những quy định tại các tu viện mà khách đến thăm cần tuân thủ. Cụ thể, không hút thuốc, uống rượu, gây ồn ào hoặc chạm vào các đồ vật tôn giáo khi vào tu viện. Ngoài ra, cần bỏ mũ, kính râm ra ngoài, đồng thời khi bước vào hội trường, không đi theo cửa chính và nhớ đi theo kim đồng hồ xung quanh các điện thờ và bánh xe cầu nguyện.
+ Phong tục: Không xem lễ an táng và không chạm vào đầu người Tây Tạng, kể cả trẻ em. Họ cũng không ăn thịt ngựa, chó, lừa và cá ở một số khu vực. Vỗ tay và khạc nhổ sau lưng người Tây Tạng được cho là hành động không lịch sự.
+ Nghi thức xã giao: Nếu được tặng một Hada, bạn nên dùng cả hai tay để nhận nó và thể hiện lòng biết ơn của mình. Nếu gặp một vị tu sĩ đáng kính, bạn có thể gọi ông ấy là “Rinpoche”, nghĩa là “quý giá”, một từ thường dùng để gặp gỡ những người mà mình kính trọng nhất. Và khi gặp bất cứ người Tây Tạng nào, bạn nên thêm chữ “la” vào sau mỗi tên của họ để thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho họ.
Bầu trời màu hồng, những đỉnh núi cao chót vót, những tu viện cổ kính cùng nền văn hóa độc đáo đã khiến Tây Tạng trở nên đặc biệt. Chính hào quang rực rỡ ấy đã khiến nó trở thành “nơi nhất định phải đến một lần trong đời”. Cho dù bạn đang tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh hay chỉ muốn khám phá một trong những góc bí ẩn nhất hành tinh, Tây Tạng sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên và để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng bất cứ ai.