Phản ứng cao nguyên là điều mà phần lớn du khách sẽ gặp phải khi đến với những vùng đất du lịch có cao độ lớn. Điều này vô tình khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng, nhận thức bị thay đổi, từ đó khiến cho việc trải nghiệm cảnh đẹp, văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, việc tìm hiểu một số thông tin về phản ứng cao nguyên cũng như các tips để phòng tránh nó là cực kỳ cần thiết, trước khi thực hiện bất kỳ chuyến bay nào đến với những nơi có độ cao đến vài ngàn mét.
Mục lục:
TogglePhản ứng cao nguyên là gì?
Phản ứng cao nguyên, hay còn gọi là sốc độ cao, là một trong những hiện tượng phổ biến khi du lịch đến những khu vực có cao độ lớn, thường là các cao nguyên ở Trung Quốc. Nguyên nhân được xác định là do đột ngột tiếp xúc với môi trường có áp suất thấp ở nơi có cao độ lớn hơn. Hay nói cách khác, khi bạn lên cao, nồng độ oxy vẫn giữ nguyên, nhưng áp suất khí quyển giảm, do đó bạn nhận được ít phân tử oxy hơn trong mỗi hơi thở.
Phản ứng cao nguyên rất dễ bắt gặp khi du khách có những chuyến đi đến các vùng thuộc các cao nguyên rộng lớn như Ladakh (Ấn Độ) hay một số điểm đến của Trung Quốc như Shangrila (Tây Tạng), Á Đinh và thành phố Lý Đường (Tứ Xuyên). Đây đều là những khu vực nằm trên cao nguyên có độ cao từ 3.000-4.000m so với mực nước biển.
Chứng sốc độ cao có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, dù là độ tuổi, giới tính hay tình trạng thể chất nào. Khi bạn càng lên cao nhanh và leo càng cao thì dễ gặp phải phản ứng cao nguyên hơn bất kỳ ai. Đặc biệt, nếu bạn đi du lịch hoặc leo núi ở độ cao trên 3.000m đều có nguy cơ mắc bệnh, cần phải có sự chuẩn bị cho phù hợp. Ngoài ra, đối với những người sống ở độ cao thấp, gần với mực nước biển, sẽ cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với độ cao.
Biểu hiện của phản ứng cao nguyên
Đến du lịch tại một số các điểm đến nằm trên các cao nguyên có độ cao lớn, điều ai cũng cần nhớ là tuyệt đối không nên xem thường phản ứng cao nguyên. Bởi đã có rất nhiều du khách đã bị phản ứng cao nguyên làm cho buốt hết cả đầu và phải vào bệnh viện để khám vào sau đó phải thở oxy cho đến khi rời khỏi vùng Á Đinh hay thành phố Lý Đường, một trong những thành phố cao nhất thế giới ở độ cao 4.000m.
Tùy từng người mà phản ứng cao nguyên có thể xuất hiện các hiện tượng như khó thở, nhức đầu, buồn nôn ở các mức độ khác nhau. Nó có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, hụt hơi khó ngủ cho đến các triệu chứng ở mức độ trung bình như buồn nôn, đau đầu dữ dội, cực kỳ mệt mỏi, hụt hơi. Một số ít sẽ gặp phải các triệu chứng nặng hơn như giảm khả năng tâm thần như lú lẫn, ảo giác, không thể đi lại hoặc di chuyển bình thường và khó thở cực độ.
Khi nói đến phản ứng cao nguyên, bạn có thể bắt gặp một hiện tượng gọi là bệnh say núi cấp tính (AMS). Đó là bệnh lý thường gặp khi bạn leo núi, đi bộ đường dài, trượt tuyết hoặc chỉ di chuyển ở độ cao trên 2.400m. Nguyên nhân là do áp suất không khí giảm và nồng độ oxy thấp hơn. Triệu chứng của AMS nhẹ thường là đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn và buồn nôn. Lúc này, để tránh bệnh say núi ở mức độ cao hơn, du khách nên giữ nguyên độ cao hiện tại, uống đủ nước và nghỉ ngơi cho đến khi khỏi.
Làm gì khi bị phản ứng cao nguyên?
Khi đến du lịch tại một số vùng tại Trung Quốc, nhất là trên cao nguyên Tây Tạng cũng như dãy núi Himalaya, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đối mặt với phản ứng cao nguyên. Được biết, chứng say độ cao sẽ giảm dần xuống sau 3 ngày, tuy nhiên, việc tiếp tục lang thang ở một số địa điểm chẳng hạn như thành phố Lhasa trong vài giờ có thể khiến bạn cảm thấy yếu ớt và bị đau đầu. Vì vậy, để tiếp tục chuyến hành trình một cách trọn vẹn, điều mà bất kỳ du khách nào cũng cần làm là tập thích nghi với nó.
Việc giữ nguyên độ cao là cách đơn giản để cơ thể quen dần với mọi thứ. Nếu bạn đến một vị trí nào đó và gặp phải các triệu chứng nhẹ của phản ứng cao nguyên, hãy dừng lại, đứng tiếp tục lên cao. Thay vào đó, hãy dành khoảng 2-3 ngày để đi du lịch khắp mọi nơi, tạo điều kiện để cơ thể thích nghi với môi trường mới. Sau khi cơ thể đã thích nghi với độ cao ở Lhasa, bạn có thể quyết định đến một nơi có độ cao cao hơn, chẳng hạn như Everest Base Camp ở độ cao 5.200m.
Trong trường hợp không chuẩn bị thuốc sẵn, bạn có thể nhờ hướng dẫn viên đưa mình đến hiệu thuốc địa phương. Ở đó, bạn có thể mua một số loại thuốc hỗ trợ như Acetazolamide, loại thuốc giảm say độ cao, Ibuprofen dùng để trị đau đầu nhẹ hay Nifedipine dùng cho huyết áp cao và hỗ trợ thở ở nơi có độ cao lớn. Ngoài ra, nếu bạn muốn thở một cách dễ dàng hơn, hãy mua một chiếc túi đựng oxy và mang nó trong suốt chuyến đi.
Một số tips để tránh phản ứng cao nguyên cho khách du lịch
Phản ứng cao nguyên có thể nói là một triệu chứng khó chịu, giống kiểu bị say xe khi đi ô tô hoặc là đi tàu bị say sóng. Thậm chí, nó có thể khiến cho du khách không thoải mái trong suốt chuyến đi vì phải ở đến tận vài ngày trên đó, nguy hiểm hơn là gây tử vong . Mặc dù không phải hoàn toàn đều gặp phải hiện tượng này, tuy nhiên việc biết trước cũng như có sự chuẩn bị kỹ càng về sức khỏe lẫn một số đồ dùng, trang phục là cần thiết với bất kỳ ai.
Dành thời gian thích nghi: Đối với những điểm đến có độ cao khác nhau, nên dành ít nhất 1 ngày để vui chơi, nghỉ ngơi trước khi lên cao hơn. Không nên ngay lần đầu tiên đã đi lên những khu vực cao nguyên có độ cao 3.000-4.000m, thay vào đố hãy thực hiện nó từ từ và dần dần, cho phép cơ thể và phổ điều chỉnh theo bầu khí quyển. Ngoài ra, không nên vận động mạnh hay đi lại nhiều, hãy đi lại nhẹ nhàng để cơ thể được làm quen với áp suất thấp.
Duy trì độ ẩm cơ thể: Uống đủ nước và tránh tiêu thụ quá nhiều cồn và cafein. Nếu uống quá ít nước cũng như nạp các loại thức uống chứa cồn và cafein như bia, rượu, cà phê có thể khiến cơ thể bị mất nước. Tốt nhất, mỗi ngày nên uống từ 2-3 lít nước, cạnh đó để thuận tiện cho các chuyến đi nên mang theo một bình giữ nhiệt và trong đó đựng nước ấm.
Sử dụng thuốc hợp lý: Uống 1 viên hoạt huyết dưỡng não mỗi ngày, đối với acetazolamid, nên uống trước vào trong khi leo núi từ 4 đến 6 tiếng. Điều này sẽ giúp chống sốc độ cao hiệu quả, đồng thời tăng cường máu lên máu, giúp lưu thông máu tốt, tránh đau đầu do phản ứng cao nguyên.
Giữ gìn sức khỏe: Trước khi đến bất cứ nơi nào có thể gặp phải phản ứng cao nguyên, chẳng hạn như Tây Tạng, bạn nên cố gắng giữ gìn sức khỏe cũng như tránh để bị cảm lạnh trước khi đến đó. Ngoài ra, hãy chăm chỉ luyện tập ở nhà trước chuyến đi, tốt nhất là ở những nơi gần núi, điều đó sẽ giúp cơ thể tăng khả năng điều chỉnh tốt hơn và không bị sốc trước phản ứng cao nguyên.
Ăn cách thực phẩm chữa giúp say độ cao: Carbohydrate có thể làm tăng năng lượng của bạn, giúp chống lại tác động làm suy yếu của chứng say độ cao. Chuối, khoai lang và yến mạch là những nguồn carbohydrate tốt cho sức khỏe. Cạnh đó, thực phẩm giàu sắt như sau bina, thịt bò, thịt gà, ngũ cốc, nho khô giúp sản sinh ra nhiều tế bào hồng cầu hơn, từ đó tăng khả năng cung cấp oxy cho cơ thể. Rau và trái cây giàu vitamin C sẽ hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh hơn, chẳng hạn như dâu tây, cà rốt.
Phản ứng cao nguyên là triệu chứng thường gặp khi cơ thể di chuyển lên một độ cao từ vài ngàn mét, gây ra nhiều biểu hiện khó chịu cho cơ thể. Khi đã áp dụng đầy đủ các tips trên, nó sẽ không còn là điều lo lắng và bạn có thể thoải mái tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của vùng đất tươi đẹp này.