Songkran hay Tết của người Thái hay được nhiều du khách gọi là lễ hội Té nước (Té nước chỉ là một hoạt động trong Songkran) là một thời điểm tuyệt vời để du lịch Thái Lan. Nếu bạn có kế hoạch đến Thái Lan và tham gia lễ hội Songkran 2023 thì cần nắm rõ các thông tin cũng như kinh nghiệm dưới đây để có được sự chuẩn bị tốt nhất và trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Mục lục:
ToggleLễ hội Songkran là gì?
Songkran (tiếng Thái:เทศกาลสงกรานต์) là Tết của người Thái, đây được xem là lễ hội quan trọng nhất ở Thái Lan. Songkran có nghĩa là “di chuyển” hay “chuyển động” trong tiếng Thái, lễ hội Songkran đánh dấu sự kết thúc của mùa khô, mặt trời sẽ chuyển từ cung hoàng đạo (Song Ngư) sang một cung mới (Bạch Dương). Người dân Thái Lan sẽ trở về với gia đình, đi lễ chùa, và tham gia lễ hội té nước.
Lễ hội té nước
Té nước được xem như là một nghi thứ về sự đổi mới trong Phật giáo, người ta sẽ té nước lên tượng Phật để cầu may, lớp trẻ sẽ rửa tay cho người lớn tuổi, người già để nhận lại phước lành, nước còn được sử dụng để làm sạch bản thân và rửa sạch tội lỗi. Hoạt động vui vẻ nhất là khi mọi người tập trung trên đường phố để cùng tham gia vào “cuộc chiến nước”. Vì đây là hoạt động nổi bật trong lễ hội Songkran nên nhiều người gọi Songkran là lễ hội té nước. Lễ hội té nước cũng là lễ hội thu hút được rất nhiều du khách quốc tế tham gia.
Nguồn gốc Songkran
Songkran bắt nguồn từ lễ hội Makar Sankriti cổ xưa của Ấn Độ (thế kỷ 13). Người Thái coi đó là sự chuyển giao năm cũ sang năm mới.
Trước đây, Tết của người Thái được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên hiện nay thì nó được tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Lý do cho sự thay đổi này liên quan đến hành trình di cư của người Thái. Năm 200 trước công nguyên, người Thái đã di cư từ miền nam Trung Quốc xuống Thái Lan. Trước đó họ dùng lịch âm lịch, tuy nhiên khi di cư xuống vùng đất mới để thích nghi vời điều kiện khí hậu, thời tiết họ đã quyết định chuyển năm mới sang tháng 4, trùng với thời điểm kết thúc mùa khô, sử dụng lịch Phật giáo Khmer.
Songkran 2023 diễn ra khi nào?
Từ năm 1888, Songkran là ngày Tết chính thức của Thái Lan. Songkran được diễn ra cố định từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 15 tháng 4 dương lịc hàng năm. Năm 2023 cũng không có gì thay đổi, Lễ hội Songkran 2023 sẽ kéo dài từ ngày 13 – 15/04/2023. Năm 2023 sẽ là năm đầu tiên các hoạt động như té nước và tiệc bọt sẽ hoạt động trở lại sau 3 năm dài hạn chế do COVID. Tuy lễ hội chính diễn ra trong 3 ngày nhưng nhiều nơi người dân đón Tết mừng năm mới 5-10 ngày.
Bên cạnh Thái Lan, một số quốc gia cũng đón năm mới vào thời gian này như Lào (Bunpimay), Campuchia (Chol Chnam Thmay), Myanmar (Thingyan).
Các hoạt động chính Songkran 2023
Có rất nhiều hoạt động trong dịp Tết Songkran bao gồm các hoạt động tín ngưỡng trong ba ngày Tết và các hoạt động văn hoá xã hội.
Trong 3 ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu năm mới của người Thái, người dân địa phương sẽ thực hiện hàng loạt hoạt động từ dọn dẹp nhà cửa, tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi bằng cách rửa chân bằng nước thơm, để thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại các ngôi chùa. Ngoài những hoạt động long trọng này, người Thái Lan cũng như người nước ngoài cũng sẽ tham gia lễ hội té nước trên đường phố, hoạt động này được xem như sự thanh lọc.
Ba ngày Songkran
Ngày 13 tháng 4: Ngày này được gọi là Ngày Song Nam Phra. Nghi thức rước tượng Phật diễn ra trên khắp đất nước.
Ngày 14 tháng 4: Ngày này còn được gọi là Wan Nao. Đây cũng là Ngày Gia đình Quốc gia khi mọi người dân sẽ dành thời gian cho gia đình của họ.
Ngày 15 tháng 4: Được gọi là Ngày Wan Payawan (‘Tắm Phật’). Có sự kiện, lễ hội được diễn ra ở khắp mọi nơi.
Các nghi thức chính Songkran 2023
Té nước: Té nước là một hoạt động quan trọng của lễ đón năm mới Songkran. Tháng 4 là thời điểm nóng nhất trong năm ở Thái Lan và té nước vào nhau là một cách tuyệt vời để hạ nhiệt. Các đường phố cấm xe cộ lưu thông và được sử dụng như đấu trường: rất đông người tụ tập để “chiến đấu” với nước bằng cách sử dụng ống, xô và súng nước. Đó là một hoạt động mà thế hệ trẻ yêu thích: người nước ngoài được chào đón tham gia!
Dọn dẹp nhà cửa: Giống như Tết Nguyên đán cửa người Việt Nam mình, trong ngày Tết truyền thống người Thái cũng dọn dẹp nhà cửa, văn phòng và những nơi công cộng khác để chào đón Năm mới.
Cúng dường: Cúng dường, làm công đức là một phần quan trọng của Lễ hội Songkran. Người dân Thái Lan sẽ đến các ngôi chùa và dâng thức ăn, quần áo cho các nhà sư và nghe họ thuyết giảng về Phật giáo. Cúng dường cho các nhà sư bao gồm thực phẩm bảo quản, trái cây, các món ăn nấu chín và y phục mới cho các nhà sư.
Phóng Sinh: Thả chim và cá trở về môi trường sống tự nhiên của chúng: Người Thái coi việc trả tự do cho các sinh vật sống này là một phần trong niềm tin Phật giáo của họ rằng việc thả động vật tự do sẽ mang lại may mắn.
Trò chơi dân gian: Các buổi biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian được tổ chức ở khắp nơi trong dịp Songkran.
Xây chùa cát: Xây dựng chùa cát trong khuôn viên chùa liên quan đến việc người Thái mang một ít cát đến các ngôi chùa trong Lễ hội Songkran. Cát có thể dùng để xây chùa cát hoặc sửa chữa chùa. Giúp đỡ việc bảo trì chùa chiền và giúp đỡ các nhà sư nói chung được coi là một việc làm tốt trong Lễ hội Songkran.
Lễ hội Songkran 2023 diễn ra ở đâu?
Lễ hội Songkran được tổ chức trên khắp Thái Lan. Các thành phố lớn như Bangkok và Chiang Mai tổ chức lễ kỷ niệm lớn hơn so với các nơi khác. Các khu vực phía bắc của Thái Lan tổ chức lễ kỷ niệm dài hơn nhiều so với các khu vực phía nam.
Dưới đây là một số điểm đến phổ biến mà khách du lịch thích ghé thăm để trải nghiệm lễ hội Songkran.
Songkran ở Bangkok
Thủ đô Bangkok của Thái Lan là một nơi tuyệt vời nếu bạn muốn hoà vào không khí năm mới của Thái Lan. Trên Silom, con đường dài 5 km ở trung tâm Bangkok, có hàng nghìn người tụ tập để tham gia lễ hội té nước. Đối diện Grand Palace , trên đường Sanam Luang, du khách có thể chiêm ngưỡng tượng Phật vào ngày 13 tháng 4. Bức tượng sẽ được khiêng đi khắp nơi để mọi người vẩy nước lên tượng để cầu may.
Songkran ở Chiang Mai
Chiang Mai là địa điểm tổ chức lễ hội Songkran lớn nhất ở khu vực miền Bắc Thái Lan. Các “cuộc chiến” té nước sẽ diễn ra ở khắp thành phố. Vào ngày 12 tháng 4, du khách có thể tham gia cuộc diễu hành với tượng Phật từ khắp nơi trong thành phố.
Songkran ở Pattaya
Được mệnh danh là thành phố tiệc tùng của Thái Lan, Pattaya là nơi tổ chức lễ hội Songkran dài nhất ở Thái Lan. Những “cuộc chiến” té nước bắt đầu từ sáng 13/4 trên mọi con đường ven biển ở Pattaya. Các sân khấu ca nhạc, máy tạo bọt được dựng lên để thu hút đám đông hòa mình vào bữa tiệc.
Songkran ở Phuket
Khu vực bãi biển Patong là nơi nổi tiếng nhất để tổ chức Lễ hội Songkran ở Phuket . Khách du lịch và người dân địa phương thường tham gia lễ hội té nước ở đây. Xung quanh công viên Saphan Hin ở Phuket có các chương trình ca nhạc và biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Thái Lan. Trên các con phố dọc theo đường Bangla, có rất nhiều xe được sử dụng để cung cấp nước cho mọi người trong lễ hội Songkran.
Kinh nghiệm tham gia lễ hội té nước Songkran
Tham gia lễ hội té nước là một cách cực kỳ thú vị để hoà mình vào lễ hội Songkran. Nếu bạn muốn tham gia cùng họ, hãy làm theo các mẹo sau để tránh mọi vấn đề.
- Tuân thủ luật chơi: sử dụng nước sạch, sử dụng súng nước (không được dùng súng nước tăng áp), không bắn vào mắt.
- Thời tiết: Tháng 4 là tháng nóng nhất trong năm ở Thái Lan, nhiệt độ nhiều khi lên tới 40 độ C.
- Phấn bột: Rất nhiều người sẽ rắc phấn lên mặt bạn để chúc phúc tuy nhiên một số nơi việc làm này là cấm, như Khao San Bangkok chẳng hạn. Nên có một chai nước để rửa mặt.
- Trang phục: nên có kính bơi, mặc đồ bơi. Nên có túi chống nước để những đồ vật quan trọng nếu mang theo người.
- Không té nước vào nhà sư, người già, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai hay người đang làm việc. Tôn trọng những người không muốn tham gia té nước.
- Tiền bạc: nên mang theo một ít tiền mặt bởi khi trong quá trình tham gia té nước, bạn cần phải tiếp nước, và nó cần một tiền nhỏ tầm 5-20 baht.